KẾT QUẢ CHẨN ĐOÁN HIỆN TƯỢNG “VÀNG LÙN, LÙN XOẮN LÁ” HẠI LÚA Ở CÁC TỈNH PHÍA BẮC
Ngày đăng : 14/01/2014

Hình ảnh. Bệnh lùn xoắn lá và bệnh vàng lùn tại các tỉnh miền bắc


Triệu chứng gây hại được ghi nhận đầu tiên ở Nghệ An vào tháng 8 năm 2009. Cây lúa có triệu chứng xoăn lùn, không trỗ được bông. Triệu chứng này rất giống với triệu chứng bệnh vi rút lúa lùn xoắn lá đang gây hại ở các tỉnh nam Bộ. Tháng 9 và tháng 10 năm 2009, nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc ghi nhận tác hại của bệnh. Đến cuối tháng 11 đã ghi nhận 19 tỉnh có lúa bị bệnh trên diện tích 42.000 ha, 16 tỉnh ghi nhận bệnh gây hại trên ngô. Đầu tháng 12 trên lúa chét tại huyện Duy Xuyên và Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận sự hiện diện của bệnh.Hiện tượng đã ghi nhận được là lúa phát triển “bình thường” đến giai đoạn làm đòng, lúa không trỗ bông được. Nhiều diện tích lúa mà điển hình tại xã Hồng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An có tới 270 ha lúa gần như mất trắng. Ngày 4 tháng 9 năm 2009 tại thành phố Vinh - Nghệ An, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã giao nhiệm vụ cho Viện Bảo vệ thực vật, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện chẩn đoán bệnh hại mới này.  Viện BVTV đã tiến hành điều tra phân bố của bệnh, thu thập mẫu bệnh; phối hợp với các cơ quan/tổ chức trong nước và quốc tế nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh bằng nhiều phương pháp khác nhau. Đồng thời, các thí nghiệm lây bệnh nhân tạo nhằm xác định môi giới truyền bệnh và con đường lây lan của bệnh cũng được tiến hành, tuân theo chu trình Kock.

Kết quả điều tra phân bố của bệnh: Trên lúa, bệnh được ghi nhận gây hại từ vùng Duyên hải, đồng bằng sông Hồng đến các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, từ vùng ven biển huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An đến vùng giáp biên giới Việt – Lào như huyện Kỳ Sơn. Tuy nhiên bước đầu ghi nhận 3 tỉnh: Nghệ An, Nam Định và Thái Bình bị bệnh nặng nhất. Các giống lúa như: Q.ưu 1, Nhị ưu 838, TH3-3, Bắc Thơm 7, Q5... tỏ ra nhiễm bệnh hơn các giống khác và có nhiều diện tích không cho thu hoạch. Các giống lúa cổ truyền như nếp cái hoa vàng, tám xoan có tỷ lệ cây bị bệnh thấp.Trên ngô, theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Bảo vệ thực vật, đến ngày 23/11/2009 đã có 16 tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra ghi nhận triệu chứng tác hại của bệnh. Ngô vụ đông trồng trên đất lúa trong khu vực lúa bị bệnh đều xuất hiện cây ngô bị bệnh (báo cáo của Cục BVTV ngày 23/11/2009 tại giao ban trực tuyến).Như vậy, ngay từ vụ lúa “đầu tiên” bệnh gây hại trên đồng ruộng đã ghi nhận sự hiện diện của bệnh trên diện rộng tại 20 tỉnh, ở các trà lúa khác nhau. Trên ngô đông cũng bị bệnh. Có thể đây là cầu nối của bệnh cho các vụ lúa và ngô tiếp theo. Việc tập trung bao vây và hạn chế tác hại của bệnh là vấn đề cấn được ưu tiên trong thời gian tới.

Kết quả chẩn đoán tác nhân gây bệnh: Mẫu lúa bị bệnh được gửi tới phòng hiển vi điện tử - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Triết Giang Trung Quốc (ZAAS) và Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp quốc tế của Pháp (CIRAD). Kết quả, cả 3 phòng hiển vi điện tử đều ghi nhận sự hiện diện của các tiểu thể vi rút hình cầu có đường kính 70 – 85 mm. Tiểu thể vi rút này có kích thước tương đương với vi rút gây bệnh lúa lùn xoắn lá (RRSV)  và vi rút gây bệnh lúa lùn sọc đen (RBSDV). Tuy nhiên, không ghi nhận các tiểu thể vi rút hình sợi, vi rút gây bệnh vàng lùn hay vi rút lúa cỏ (RGSV), vi rút gây bệnh lúa sọc (RSV).Tổng số 119 mẫu được thử nghiệm với phương pháp ELISA và 50 mẫu tiến hành với kỹ thuật RT-PCR đối với bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá đều cho kết quả âm tính. Trong khi đó với mẫu bệnh trên cây lúa thu thập ở các tỉnh phía Nam đều cho kết quả dương tính.Trong quá trình chẩn đoán tại Viện Bảo vệ thực vật, đến nay các xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR đã sử dụng 7 cặp mồi khác nhau để chẩn đoán bệnh vi rút lúa lùn sọc đen (RBSDV) và vi rút lúa sọc (RSV). Trong đó trình tự 4 cặp mồi do các Viện nghiên cứu và Trường Đại học của Trung Quốc sử dụng để chẩn đoán bệnh vi rút lúa lùn sọc đen phương nam (SRBSDV) và vi rút lúa sọc (RSV), 2 cặp mồi mới do Viện Bảo vệ thực vật và Trung tâm bệnh cây nhiệt đới - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội phối hợp thiết kế. Kết quả cho thấy các cặp mồi của Trung Quốc và Việt Nam thiết kế đối với bệnh vi rút lúa lùn sọc đen phương nam đều cho kết quả tốt và độ đặc hiệu tương đương nhau với các mẫu bệnh trên lúa thu thập ở các tỉnh phía Bắc. Mẫu bệnh thu thập tại Nghệ An cho phản ứng âm tính với cặp mồi RBSDV-S10s/as (501bp) đặc hiệu với vi rút lúa lùn sọc đen gây hại tại một số tỉnh ở Hàn Quốc (Lee et al., 2005) cũng như cặp mồi RSV1F/R (445bp) đặc hiệu và luôn cho kết quả ổn định khi giám định vi rút lúa sọc ở Trung Quốc trên cả mẫu lúa cũng như mẫu rầy (Lijun et al., 2003).Mẫu rầy và mẫu lúa bị bệnh tại Nghệ An và Nam Định đã được đưa đi phân tích tại Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Triết Giang – Trung Quốc từ ngày 23 tháng 9 đến ngày 3 tháng 10 năm 2009. Các mẫu rầy lưng trắng và cây lúa bị bệnh đều có phản ứng dương với các cặp mồi RBSDV-2S3-16/18 (529bp) dùng để xác định vi rút gây bệnh lúa lùn sọc đen phương nam tại Triết Giang. Bệnh này đã và đang gây hại tại Trung Quốc từ năm 2001 đến nay. Theo thông báo của GS.TS. Zhou Gou-Hui (Trường Đại học Nông nghiệp Hoa Nam) bệnh đã phát sinh và gây hại ở 10 tỉnh thuộc phía Nam Trung Quốc trong năm 2009 (Hội thảo tại Viện Bảo vệ thực vật, ngày 28 tháng 11 năm 2009). Cặp mồi RBSDV-S10F2/R2(600bp) do Việt Nam thiết kế đã được sử dụng chẩn đoán nhiều nhất (91 mẫu) và có độ nhạy của phản ứng rất cao. Cặp mồi này có thể xác định hiện diện của vi rút trong cơ thể của một con rầy lưng trắng tương đương với cặp mồi của Trung Quốc.     So sánh trình tự gene của sản phẩm PCR trên mẫu thu thập tại Nghệ An, Nam Định, Thái Bình và Quảng Ninh với trình tự gene tương ứng của RBSDV-2 và SRBSDV của Trung Quốc cho 11 vị tri sai khác với 3 mẫu thu từ Nghệ An, Nam Định và Thái Bình và cho 12 vị trí sai khác với mẫu thu từ Quảng Ninh.Phân tích cây phả hệ dựa trên trình tự gene của các sản phẩm PCR từ các nguồn mẫu Nghệ An, Nam Định, Thái Bình và Quảng Ninh và trình tự gene tương ứng trên đoạn RNA 10 của vi rút lúa lùn sọc đen (RBSDV) và vi rút lúa lùn sọc đen phương nam (SRBSDV) bằng phần mềm MEGA4 sử dụng model "Kimura 2 tham số" với Bootstrap 1.000 lần cho thấy tất cả 13 trình tự gene của RBSDV của Trung Quốc nhóm thành 1 nhóm và trình tự của vi rút gây bệnh trên lúa của Việt Nam và 2 isolate vi rút mới của Trung Quốc nhóm thành 1 nhóm.Như vậy, bằng phân tích cây phả hệ cho thấy, hiện tượng “vàng lùn, lùn xoắn lá" tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam do chủng vi rút thuộc nhóm Fijivirus-2, họReoviridea, gây nên. Chủng vi rút này gây bệnh lúa lùn sọc đen phương nam (SRBSDV), một loại vi rút mới được phát hiện đầu tiên ở các tỉnh phía nam Trung Quốc từ năm 2001.

Kết quả xác định môi giới truyền bệnh và con đường lây lan của bệnh: Việc xác định được môi giới truyền bệnh và con đường lây lan của bệnh là rất cần thiết.Các thí nghiệm lây bệnh nhân tạo (LBNT) đã được tiến hành đối với rầy nâu, rầy lưng trắng và rầy nâu nhỏ tại 3 nhóm nghiên cứu khác nhau thuộc 3 bộ môn của Viện BVTV. Các kết quả đều ghi nhận rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Sau khi LBNT khoảng 10 ngày, một số cây lúa đã biểu hiện các triệu chứng như thấp lùn, lá xanh đậm, xoắn lá, ở mặt sau lá và bẹ lá có các u trắng chạy dọc gân. Kết quả LBNT bằng rầy nâu nhỏ và rầy nâu chưa ghi nhận cây lúa nào có biểu hiện triệu chứng. Kết quả giám định bằng RT-PCR với rầy lưng trắng thu thập trên ruộng bệnh, rầy lưng trắng sử dụng trong các thí nghiệm LBNT và các cây lúa biểu hiện triệu chứng bệnh sau LBNT đều cho kết quả dương tính với cặp mồi RBSDV-S10F2/R2.Kết quả này đã được chứng minh hoàn tất  bằng chu trình Kock và đã có đủ cơ sở để kết luận bệnh vi rút lúa lùn sọc đen phương nam đang gây hại ở Trung Quốc đã phát sinh và gây hại trên lúa và ngô ở các tỉnh phía Bắc nước ta trong vụ mùa và vụ đông vừa qua. Rầy lưng trắng là một loại môi giới chính truyền và lây lan bệnh trên đồng ruộng.

Đề xuất giải pháp bước đầu để chủ động phòng chống lây lan và gây hại của bệnh:Vận dụng kinh nghiệm phòng chống bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá do rầy nâu là môi giới truyền bệnh ở các tỉnh nam Bộ từ năm 2006 đến nay và kinh nghiệm trao đổi với các chuyên gia của Trung Quốc, Viện Bảo vệ thực vật xin đề xuất qui trình tạm thời gồm hệ thống các giải pháp như sau:

Nguyên tắc chung:- Bảo vệ cây lúa ở giai đoạn non chống xâm nhập và truyền bệnh của rầy lưng trắng kéo dài đến giai đoạn phân hóa đòng.  - Tiến hành đồng thời trong vùng có dịch và vùng phụ cận và chống dịch phải mang tính cộng đồng.  

Tổng thể giải pháp kỹ thuật hạn chế tác hại của bệnh

1. Vệ sinh đồng ruộng-   Cày lật gốc rạ trên các ruộng bị bệnh vụ tr­ước; Thu dọn tàn d­ư, làm sạch cỏ bờ...

2. Xác định thời gian gieo mạ/gieo thẳng “né rầy”- Điều tra trực tiếp trên đồng và bằng bẫy đèn để xác định sự xuất hiện, mật độ và đỉnh cao của các đợt rầy lư­ng trắng và các loại rầy hại lúa khác.- Thời điểm xuống giống (cả lúa gieo thẳng và làm mạ) tốt nhất là sau đỉnh cao của rầy môi giới vào đèn 4 – 6 ngày    

3. Bảo vệ cây lúa non từ gieo/ cấy đến kết thúc phân hoá đòng. Có thể áp dụng các biện pháp:- Xử lý hạt giống trư­ớc khi gieo bằng thuốc xử lý hạt đã đư­ợc phép sử dụng như­: Cruiser Plus 312.5FS, Enaldo 40FS, Gaucho 600FS, Kola 600 FS ... - Đối với cây mạ, trước khi cấy tiến hành phun thuốc nội hấp 2- 3 ngày trước khi cấy.-  Đối với lúa cấy và lúa gieo thẳng: Thư­ờng xuyên thăm đồng, kết hợp với theo dõi bẫy đèn để xác định mật độ rầy lưng trắng truyền bệnh trên đồng ruộng. Khi cần thiết phải trừ rầy truyền bệnh thì ­ưu tiên sử dụng các loại thuốc nội hấp có hiệu quả cao trừ cả rầy non và rầy trư­ởng thành. Trong trư­ờng hợp cần thiết có thể hỗn hợp với các loại thuốc tiếp xúc để diệt rầy có hiệu quả nhanh hơn nhằm chống lây lan bệnh trên đồng ruộng.      

4. Biện pháp canh tác- Các biện pháp canh tác cần tiến hành nhằm tạo điều kiện để có cây “luá khoẻ”, đồng thời tăng tính chống chịu của cây lúa với bệnh vi rút. Kết hợp làm cỏ, nhổ bỏ và vùi cây lúa bệnh.5. Quản lý các dịch hại khác

- Đối với các loại dịch hại khác thư­ờng phát sinh và gây hại trong giai đoạn này như­: cỏ dại, ốc b­ươu vàng, sâu hại, chim, chuột... áp dụng nh­ư khuyến cáo trong biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Khi cần phun thuốc hoá học thì phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng.

Các thông tin khác :
· Kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai đề tài KHCN
· Phong chức danh GS, PGS năm 2010
· Hội nghị đầu bờ: Phòng trừ bệnh thối nhũn hành, tỏi tại Hải Dương
· Hội nghị Khoa học và Công nghệ Viện BVTV năm 2010
· LỄ PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY XUÂN TÂN MÃO 201
· BÁO CÁO NGÀY TÌNH HÌNH BỆNH LÙN SỌC ĐEN HẠI LÚA
· Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án: “Nâng cao năng suất và chất lượng hồng ngọt ở Việt Nam và Australia” năm 2010 và kế hoạch thực hiện trong năm 2011
· MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU NHÂN SINH KHỐI TẾ BÀO SÂU KHOANG (S. litura) ĐỂ PHỤC VỤ SẢN XUẤT CHẾ PHẨM VI RÚT NPV
· Tham quan mô hình trồng cây ăn quả ôn đới tại Bắc Hà- Lào Cai