Phòng trừ bọ hà trên cây khoai lang: Tín hiệu vui từ một đề tài
Ngày đăng : 09/01/2023

Để hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất cây khoai lang, từ tháng 8/2021, Viện Bảo vệ thực vật, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và triển khai các biện pháp kỹ thuật tổng hợp phòng, trừ bọ hà hại khoai lang tại huyện Lộc Bình. Qua đó, tỉ lệ khoai lang bị bọ hà gây hại giảm, năng suất, chất lượng khoai lang được nâng lên rõ rệt.

Lộc Bình là huyện có diện tích trồng khoai lang lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Toàn huyện hiện có khoảng 500 ha trồng cây khoai lang, tập trung tại các xã: Khuất Xá, Tú Mịch, Tú Đoạn… Để mở rộng diện tích, phát triển theo hướng bền vững, huyện Lộc Bình đã chú trọng quy hoạch, hình thành vùng trồng cây khoai lang gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trước đây người dân chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống nên năng suất còn thấp. Đặc biệt, cây khoai lang thường bị bọ hà gây hại làm giảm năng suất, chất lượng củ. Mặc dù người dân đã áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ song chưa mang lại hiệu quả cao.

Người dân thôn Bản Tấu, xã Tú Đoạn thu hoạch khoai lang

Để phòng trừ bọ hà, nâng cao năng suất cây khoai lang, Viện Bảo vệ thực vật, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và triển khai các biện pháp kỹ thuật tổng hợp phòng, trừ bọ hà hại khoai lang tại huyện Lộc Bình. Mục tiêu của đề tài là xác định các đặc điểm sinh học, sinh thái, quy luật phát sinh, phát triển và các yếu tố ảnh hưởng đến bọ hà; xác định các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ tổng hợp và xây dựng mô hình trình diễn, từ đó áp dụng vào thực tế canh tác, sản xuất của bà con. Đề tài được triển khai thực hiện từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2023; địa điểm thực hiện tại thôn Bản Tấu, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình; quy mô triển khai là hơn 1 ha với sự tham gia của 6 hộ dân.

Kỹ sư Nguyễn Đức Việt, cán bộ Viện Bảo vệ thực vật Trưởng nhóm thực hiện đề tài cho biết: Từ tháng 8/2021 đến nay, nhóm đã tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ gây hại của bọ hà trên cây khoai lang tại huyện Lộc Bình. Sau đó, triển khai thực hiện 4 biện pháp phòng trừ bọ hà hại khoai lang (với 49 công thức thí nghiệm đối chứng) gồm: biện pháp canh tác (luân canh cây trồng; che phủ luống bằng rơm rạ, nilon, cỏ lào…); sử dụng nấm ký sinh côn trùng và tuyến trùng ký sinh côn trùng (thực hiện trong nhà lưới, trong phòng thí nghiệm, trên đồng ruộng); nghiên cứu biện pháp hóa học và thực hiện biện pháp phòng, trừ bọ hà trong kho bảo quản…

Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, toàn bộ diện tích áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc đều đã cho thu hoạch. Kết quả bước đầu cho thấy cây khoai lang phát triển tốt, diện tích khoai lang bị bọ hà gây hại giảm. Từ kết quả này của đề tài, nhóm nghiên cứu sẽ lựa chọn những công thức tối ưu nhất để xây dựng và hoàn thiện quy trình phòng, trừ tổng hợp bọ hà hại khoai lang, từ đó áp dụng đại trà trong sản xuất.

Chị Vi Thị Hiện, thôn Bản Tấu, xã Tú Đoạn cho biết: Năm nay, gia đình tôi trồng hơn 1 mẫu khoai lang, trong đó có 3 sào được áp dụng các biện pháp phòng, trừ bọ hà. Với biện pháp lên luống kết hợp phủ luống bằng nilon tôi thấy đất tơi xốp, cỏ dại ít phát triển, chi phí đầu tư thấp, cây khoai lang sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Với trên cùng một diện tích nhưng sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tỉ lệ khoai bị bọ hà gây hại giảm rất nhiều, số lượng củ bị hại không đáng kể; củ to đều, mẫu mã đẹp. Vụ tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây khoai lang để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tương tự gia đình chị Hiện, thời điểm này, các hộ dân tham gia đề tài đều đã thu hoạch diện tích khoai lang. Theo đó, tại diện tích mà nhóm thực hiện các biện pháp kỹ thuật, tỉ lệ khoai lang bị bọ hà gây hại đã giảm. Đặc biệt, đối với công thức che phủ luống bằng nilon và các biện pháp sinh học cho kết quả tỉ lệ khoai lang bị bọ hà gây hại giảm xuống chỉ còn khoảng 1 – 2%. Còn đối với các công thức còn lại, tỉ lệ khoai lang bị bọ hà gây hại giảm còn 5 đến 6% (với phương thức canh tác truyền thống của bà con, tỷ lệ khoai lang bị bọ hà gây hại chiếm trung bình từ 17 đến 18%; thậm chí có diện tích bọ hà gây hại nặng có thể chiếm 42%). Nhờ đó, năng suất khoai lang đạt từ 5 đến 5,5 tạ/sào, tăng từ 1 đến 1,5 tạ/sào so với trước đây.

Bà Chu Mai Hương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Bình cho biết: Thực trạng cây khoai lang bị bọ hà gây hại đã xảy ra trên địa bàn từ nhiều năm nay nhưng chưa có biện pháp phòng, trừ triệt để. Việc nhóm nghiên cứu triển khai thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ bọ hà hại khoai lang trên địa bàn huyện đã góp phần làm giảm sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm khoai lang của huyện, từ đó tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Được biết, thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ triển khai xây dựng mô hình trình diễn với quy mô 1 – 2 ha tại xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình. Cùng đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến để bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

Các thông tin khác :
· 9 Nhiệm vụ trọng tâm ngành nông nghiệp năm 2023
· Kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ACIAR–Việt Nam
· CHUYÊN GIA NGA SANG THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI VIỆN BẢO VỆ THỰC VẬT
· ACIAR in Vietnam Strategy 2017–2027
· Thông báo Lịch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư
· HỘI NGHỊ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ 2022 – VIỆN BẢO VỆ THỰC VẬT
· WORKSHOP ON MANAGEMENT OF BACTERIAL DISEASES IN BANANA
· TUYỂN CHỌN CHUYÊN GIA KỸ THUẬT VÀ PHIÊN DỊCH VIÊN TIẾNG TIẾNG TÂY BAN NHA LÀM VIỆC TẠI CUBA NĂM 2023
· ASEAN GUIDELINES FOR AGROFORESTRY DEVELOPMENT ASEAN SENIOR OFFICIALS ON FORESTRY 2018
· Giới thiệu một số nguồn nấm ký sinh côn trùng có tiềm năng...
· Đã phát hiện rệp sáp bột hồng tại Việt Nam
· Hội thảo tham vấn về tuyến trùng hại hồ tiêu, cà phê và kinh nghiệm phòng trừ tại Tây Nguyên
· Triển vọng phát triển giống hồng giòn không chát ở Việt Nam
· THÔNG BÁO MỞ LỚP ĐÀO TẠO NGẮN HẠN VỀ CÔNG NGHỆ SINH HỌC
· TÊN KHOA HỌC CỦA SÂU CUỐN LÁ CHUỐI
· THÔNG BÁO MỜI CHÀO HÀNG
· Chuyến thăm của đoàn cán bộ cao cấp của chính phủ Banladesh
· Chuyến thăm của đoàn cán bộ Viện BVTV tới Cục Bảo vệ thực vật