Đáp số bệnh mới hại lúa
Ngày đăng : 14/01/2014

Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá (triệu chứng này rất giống với triệu chứng bệnh vi rút lúa lùn xoắn lá đang gây hại ở các tỉnh Nam bộ). Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Bị bệnh nặng cây lúa không trổ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen. Trong điều kiện vụ mùa năm 2009 tại các tỉnh phía Bắc, lúa phát triển đến giai đoạn làm đòng có vẻ “bình thường” nhưng sau đó không trỗ bông được. Chính vì vậy nhiều địa phương đã hoàn toàn bất ngờ và thiệt hại rất trầm trọng. Các giống lúa bị nặng bao gồm lúa lai và lúa thuần có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đặc biệt các ruộng lúa sản xuất hạt giống lúa lai ở cả dòng bố và mẹ đều nhiễm bệnh nặng. Trên ngô, triệu chứng chung là cây thấp lùn, lá xanh đậm, một số lá xoắn và rách, đặc trưng nhất là ở mặt sau lá có các u sần nổi gồ chạy dọc theo gân lá. 

 

Tháng 9 và tháng 10/2009, nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc ghi nhận tác hại của bệnh. Đến cuối tháng 11 đã ghi nhận 19 tỉnh có lúa bị bệnh trên diện tích 42.000 ha, 16 tỉnh ghi nhận bệnh gây hại trên ngô (Cục BVTV). Đầu tháng 12 trên lúa chét tại huyện Duy Xuyên và Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận sự hiện diện của bệnh. Trên cây ngô đến ngày 23/11/2009 đã có 16 tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra ghi nhận triệu chứng tác hại của bệnh. Tất cả các địa phương có ngô vụ đông trồng trên đất lúa trong khu vực lúa bị bệnh đều xuất hiện triệu chứng bệnh (Cục BVTV).Ngày 4/9/2009 tại thành phố Vinh - Nghệ An, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã giao nhiệm vụ chẩn đoán bệnh hại mới này cho Viện BVTV thuộc Viện KH Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.Viện BVTV đã tiến hành điều tra phân bố của bệnh, thu thập mẫu bệnh và tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh bằng nhiều phương pháp khác nhau. Đồng thời, các thí nghiệm lây bệnh nhân tạo nhằm xác định môi giới truyền bệnh và con đường lây lan của bệnh cũng được tiến hành, tuân theo chu trình Kock.Kết quả chẩn đoán bằng hiển vi điện tử tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Triết Giang Trung Quốc (ZAAS) và tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp quốc tế của Pháp (CIRAD) đều ghi nhận sự hiện diện của các tiểu thể vi rút hình cầu có đường kính 70 – 85 mm. Tuy nhiên, tiểu thể của các Reovirus (lúa lùn xoắn lá - RRSV, lùn sọc đen – RBSDV…) cũng có hình dạng và kích thước tương tự. Không ghi nhận các tiểu thể vi rút hình sợi (vi rút vàng lùn – RGSV) trong các hình ảnh hiển vi điện tử.Tổng số 119 mẫu được thử nghiệm với phương pháp ELISA và 50 mẫu tiến hành với kỹ thuật RT-PCR đối với bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá đều cho kết quả âm tính. Trong khi đó với mẫu bệnh trên cây lúa thu thập ở các tỉnh phía Nam đều cho kết quả dương tính.Trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân do vi rút lúa lùn sọc đen, 5 cặp mồi khác nhau, trong đó 3 cặp do Viện BVTV và Trung tâm bệnh cây nhiệt đới - Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội phối hợp thiết kế và 2 cặp tham khảo từ các tác giả nước ngoài (Zhang et al., 2008 và Zhou et al., 2008), đã cho kết quả dương tính rất rõ nét và ổn định với các mẫu lúa và ngô của Việt Nam. Trong đó cặp RBSDV-S10F2/R2 cho sản phẩm PCR có kích thước 600bp được sử dụng nhiều nhất (91/131 mẫu, tính đến 15/12/2009).Kết quả phân tích trình tự gene thu được của các sản phẩm PCR từ mẫu lúa thu thập tại Nghệ An, Nam Định, Thái Bình và Quảng Ninh đã ghi nhận 98 – 99% tương đồng với chủng vi rút mới đang gây hại tại Trung Quốc có tên Southern rice black-streaked dwarf virus (SRBSDV) trong khi chỉ 65 – 83% tương đồng với các vi rút khác thuộc nhóm Fijivirus. Kết quả phân tích gia phả cũng cho thấy các trình tự gene của Việt Nam nằm cùng nhóm với phân nhóm Fijivirus-2 và có quan hệ gần nhất với SRBSDV – chủng vi rút mới đang được các nhà khoa học Trung Quốc đề xuất là một thành viên mới của phân nhóm Fijivirus-2, nhóm Fijivirus, họ Reoviridea.Thực hiện chu trình Kock là yêu cầu thiết yếu khi xác định tác nhân gây bệnh. Các thí nghiệm lây bệnh nhân tạo (LBNT) đã được tiến hành đối với rầy nâu, rầy lưng trắng và rầy nâu nhỏ tại 3 nhóm nghiên cứu khác nhau của Viện BVTV. Các kết quả đều ghi nhận rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Sau khi LBNT khoảng 10 ngày, một số cây lúa đã biểu hiện các triệu chứng như thấp lùn, lá xanh đậm, xoắn lá, ở mặt sau lá và bẹ lá có các u trắng chạy dọc gân. Kết quả LBNT bằng rầy nâu nhỏ và rầy nâu chưa ghi nhận cây lúa nào biểu hiện triệu chứng. Kết quả giám định bằng RT-PCR với rầy lưng trắng thu thập trên ruộng bệnh, rầy lưng trắng sử dụng trong các thí nghiệm LBNT và các cây lúa biểu hiện triệu chứng bệnh sau LBNT đều cho kết quả dương tính với cặp mồi RBSDV-S10F2/R2.Kết quả này chứng minh chu trình Kock đã hoàn tất và có đủ cơ sở để kết luận bệnh vi rút lúa lùn sọc đen phương nam đang gây hại ở Trung Quốc đã phát sinh và gây hại trên lúa và ngô ở các tỉnh phía Bắc nước ta trong vụ mùa và vụ đông vừa qua. Rầy lưng trắng là một loại môi giới chính truyền và lây lan bệnh trên đồng ruộng.Song song với các thí nghiệm LBNT, hạt giống của 5 loại giống bị bệnh ở Nghệ An được thu thập ngay trên các ruộng bệnh và gieo trồng tại nhà lưới của Viện BVTV. Sau 88 ngày theo dõi vẫn không ghi nhận được triệu chứng của bệnh. Trong khi đó kết quả lây bệnh bằng rầy lưng trắng như đã nêu ở trên chỉ sau 10 ngày đã thu được triệu chứng bệnh. Điều này chứng tỏ bệnh không lây truyền qua hạt giống.


Nguồn Báo nông nghiệp Việt Nam

Các thông tin khác :
· Kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai đề tài KHCN
· Phong chức danh GS, PGS năm 2010
· Hội nghị đầu bờ: Phòng trừ bệnh thối nhũn hành, tỏi tại Hải Dương
· Hội nghị Khoa học và Công nghệ Viện BVTV năm 2010
· LỄ PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY XUÂN TÂN MÃO 201
· BÁO CÁO NGÀY TÌNH HÌNH BỆNH LÙN SỌC ĐEN HẠI LÚA
· Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án: “Nâng cao năng suất và chất lượng hồng ngọt ở Việt Nam và Australia” năm 2010 và kế hoạch thực hiện trong năm 2011
· MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU NHÂN SINH KHỐI TẾ BÀO SÂU KHOANG (S. litura) ĐỂ PHỤC VỤ SẢN XUẤT CHẾ PHẨM VI RÚT NPV
· Tham quan mô hình trồng cây ăn quả ôn đới tại Bắc Hà- Lào Cai