Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ví là "khoán 10" trong nông nghiệp. Các nhà khoa học trong ngành nông nghiệp đang kỳ vọng, nghị quyết này sẽ thực sự cởi trói, xóa bỏ mọi rào cản mà các nhà khoa học đang gặp phải hiện nay.
LTS: Nghị quyết 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như một luồng sinh khí mới, một "khoán 10" cho hành trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Việt Nam.
Theo các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết 57 không chỉ tháo gỡ được nhiều rào cản, khắc phục điểm nghẽn và tạo cơ chế đột phá, để giải phóng sức sáng tạo nguồn lực mà còn tạo động lực, nguồn động viên tinh thần to lớn cho các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, cho toàn bộ ngành nghiên cứu khoa học nói chung.
Tuy nhiên, cơ chế quản lý KHCN hiện nay vẫn còn khá lạc hậu so với thế giới, chưa theo kịp nhu cầu thực tế. Nếu không sớm thay đổi, những tồn tại này sẽ tiếp tục cản trở sự phát triển. Đây cũng là vấn đề mà các viện nghiên cứu và các nhà khoa học đã kiến nghị từ lâu.
Báo điện tử Dân Việt đăng tải loạt bài: "57 trong nông nghiệp" nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về những khó khăn, thách thức mà các nhà khoa học đang phải trải qua và những kỳ vọng mang tính đột phá của nghị quyết mới giúp KHCN trong nông nghiệp tạo nên những đột phá mới đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Chứng từ thanh toán dày hơn cả... công trình nghiên cứu
Trước khi có "khoán 10" trong khoa học công nghệ (KHCN), các nhà khoa học phải đối mặt với rất nhiều rào cản trong cơ chế, chính sách. Nhiều cán bộ trẻ có đam mê nghiên cứu nhưng lương không đủ sống phải đi bán hàng online, làm bảo vệ để duy trì cuộc sống...
Cũng bởi thế, khi nghe PV Dân Việt đặt vấn đề trao đổi, TS.Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã dành cho chúng tôi để nói về những bất cập lâu nay đang tồn tại trong giới khoa học, đồng thời đề xuất, kiến nghị những thay đổi mới, nhất là sau khi có Nghị quyết 57. TS Liêm khẳng định, thành tựu trong nông nghiệp của chúng ta đến nay rất lớn. Chúng ta đã có những bước tiến rất quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, vừa đáp ứng an ninh lương thực trong nước mà còn là quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản. Với thành tựu đó, có sự đóng góp rất lớn của KHCN.
Nếu như nhiều năm trước đây, chúng ta phải nhập các giống lúa, cây ăn quả ở nước ngoài. thì nay các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu, chọn tạo ra rất nhiều giống mới, đồng thời áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến được áp dụng đã cho sản lượng và chất lượng rất tốt. Nhiều quốc gia đã phải nhập cây giống từ nước ta.
TS.Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện BVTV (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cay đắng khi nói về chuyện các nhà khoa học phải đi bán hàng online, làm bảo vệ để duy trì cuộc sống và làm nghiên cứu. Ảnh: MN
Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể thấy KHCN trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung đang gặp phải một số tồn tại, vướng mắc. Theo TS.Nguyễn Văn Liêm, một trong những rào cản nghiên cứu khoa học trong những năm qua là quy định về tài chính cho nghiên cứu KHCN ở Việt Nam quá cồng kềnh, nhiêu khê và rất bất hợp lý. Thậm chí chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu khiến các nhà khoa học nản lòng.
Trong đó, có hồ sơ thanh quyết toán rất cứng nhắc, chẳng hạn có loại vật tư phải mua lẻ không thể nào có hóa đơn đỏ, mà chỉ có chứng từ viết tay và theo quy định sẽ không được chấp nhập để thanh toán. Thành ra có chuyện buồn cười là tại Viện BVTV, có đề tài nghiên cứu các đối tượng gây hại trên khoai lang, nhóm nghiên cứu phải mua từng kg khoai, nhưng theo quy định phải lấy được hóa đơn đỏ mới thanh toán được, mà mua 1kg khoai của nông dân, thì lấy đâu ra hóa đơn?
Về đấu thầu đề tài cũng đang là rào cản trói buộc các nhà khoa học. Theo TS Liêm, khi đấu thầu online, các nhà khoa học phải được xét duyệt qua rất nhiều cấp. Có câu chuyện dở khóc dở cười là tại thời điểm đấu thầu, vật tư có giá nhất định, nhưng khi triển khai lại ở mức giá khác hoặc có nhà thầu không có đủ các hạng mục vật tư như yêu cầu mà trong quy định không được mua hàng ngoài nên các nhóm nghiên cứu đành chịu, bỏ cuộc.
Hay việc thực hiện các gói thầu, nhiệm vụ ở cấp tỉnh theo quy định phải có phê duyệt của UBND tỉnh thì mới được triển khai. Các quy định rất chặt chẽ đến mức cứng nhắc làm cho các nhóm nghiên cứu rất vất vả để sử dụng các vật tư sau khi đã được phê duyệt.
Hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các viện nghiên cứu trong khối nhà nước rất cũ và lạc hậu. Đơn cử như hệ thống PCA giải trình tự gen được nước ngoài cung cấp theo một dự án quốc tế, đến giờ đã hơn chục năm không có kinh phí duy tu bảo dưỡng để tiếp tục duy trì hoạt động. Hay một số thiết bị mua theo nguồn kinh phí của Bộ cách đây nhiều năm, nhiều máy móc, hạ tầng thiếu hoặc không đồng bộ, nên các nhóm nghiên cứu rất khó khăn trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Nhà khoa học trẻ phải đi bán hàng online, làm thêm bảo vệ, nhiều người giỏi bỏ ra ngoài làm cho doanh nghiệp
TS Nguyễn Văn Liêm cho biết, về nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu khoa học hiện nay đang bị già hóa và thiếu trầm trọng các nhà khoa học trẻ có trình độ. "Đến thời điểm nay, ở viện còn mấy người lứa tuổi 60 như chúng tôi cũng sắp về hưu, còn đa phần là cán bộ từ 40 đến 60 tuổi, còn lại các nhà khoa học trẻ thế hệ 9X trở lên còn rất ít", TS Liên nói và cho biết: Có khoa học trẻ có trình độ tiến sỹ đi học nước ngoài về viện làm được một thời gian, nếu không có đề tài thì lương chỉ 5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng hoặc thấp hơn nên đã bỏ ra làm doanh nghiệp ngoài có thu nhập cao hơn gấp nhiều lần.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Viện BVTV đã có 7 cán bộ gồm 2 tiến sỹ chuyên ngành và 5 cán bộ, nhà khoa học trẻ bỏ ra làm ngoài cho doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Nói ra rất xấu hổ nhưng thực tế, một số anh em có đề tài nghiên cứu và phát triển, sản xuất bán được sản phẩm nhưng có nhiều người phải vật lộn, xoay sở đủ kiểu để mưu sinh như bán hàng online hoặc thậm chí là làm thêm bảo vệ buổi tối để nuôi mình và gia đình.
Do vậy nên nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu khoa học bị hẫng. Bởi khoa học là lĩnh vực đặc thù khác với các lĩnh vực khác, người mới vào nghề phải có thời gian rèn luyện, học kinh nghiệm của các thế hệ trước và có thời gian để tích lũy kiến thức, trau dồi chuyên môn sâu thì phải luôn có sự kế tiếp mới có thể duy trì được. "Chúng tôi đang rất lo lắng về nguồn lực khoa học cho tương lai. Vì với mức lương và cung cấp tài chính như trong thời gian vừa qua thì rất khó thu hút được các nhà khoa học trẻ làm nghề", TS Liêm nói thêm.
TS Liêm cho biết thêm, ông đã từng nhiều lần "kêu cứu" với cấp trên xin kinh phí cho các nhà khoa học trẻ tiếp tục nuôi dưỡng ý tưởng nghiên cứu nhằm tạo động lực giúp họ yêu nghề và tiếp tục công việc để nâng cao tay nghề trong tương lai nhưng đến giờ vẫn chưa được đáp ứng nên viện cũng không còn cách nào để giữ chân các nhà khoa học trẻ.
Cũng theo ông Liêm, hiện nay việc phân bổ các nhiệm vụ khoa học cho các đơn vị cũng rất hạn chế. Tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có 19 thành viên nhưng việc phân bổ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hàng năm của Bộ không đủ chia cho các đơn vị. Nếu có được phân bổ, cả viện có 5 đến 7 phòng, ban cũng không thể nào nuôi dưỡng được hết các đầu mối nghiên cứu. Theo đó, chúng tôi phải đi xin ở rất nhiều kênh từ Bộ NNPTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Bộ KHCN, các Sở KHCN của các tỉnh... để duy trì công ăn việc làm cho trên 100 cán bộ, nhà khoa học tại viện.
Hiện nay, có đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu dài hơn nhưng hiện nay không được như kỳ vọng. Ví dụ, viện có đề tài rất quan trọng về nghiên cứu "Tính kháng thuốc của sinh vật gây hại", tại các nước luôn luôn có nguồn tiền để duy trì đề tài hằng năm nhưng ở Việt Nam có rất nhiều lý do thì vài năm mới có một nhiệm vụ.
Trước đây, viện cũng có nhóm nghiên cứu rất mạnh về thiên địch hay chuột hại, do hoạt động nghiên cứu cần phải thực hiện, cập nhật thường xuyên liên tục nhưng chúng tôi không tìm được nguồn tài chính để duy trì khiến cho các cán bộ trong nhóm nghiên cứu chán nản và bị thui chột dần.
"Ý tưởng, sáng kiến về các đề tài khoa học luôn dồi dào nhưng kiếm được nguồn tài chính và phương tiện để thực hiện rất khó khăn. Do không được đầu tư thỏa đáng nên các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu muốn làm gì cũng khó", Viện trưởng Viện BVTV bộc bạch.
Họp Hội đồng khoa học công nghệ (KHCN) cấp cơ sở nhằm đánh giá, nghiệm thu tổng kết nhiệm vụ KHCN tiềm năng cấp Bộ tại Viện BVTV tháng 7/2023. Ảnh: CBVTV
Về hưu lại nghiên cứu được nhiều đề tài hơn lúc... đương chức
Theo GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, trước đây, các chủ trương, chính sách đưa ra rất đúng nhưng đến khi thực hiện lại rất vướng.
Thứ nhất, lương cán bộ quá thấp nên các đề tài phải dàn đều để khỏi "đánh nhau". Chúng ta không chọn ra được các đề tài mang tính mũi nhọn, trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ như đề tài về giống lúa, chúng ta cho quá nhiều đề tài về giống chịu mặn, giống chống úng, giống gãy đổ, chịu hạn. Nếu làm đúng, chúng ta chỉ cần chọn 1 giống và tích hợp các đặc tính trên sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Thứ hai, không có chính sách khuyến khích giao khoán và làm các đề tài ra sản phẩm cuối. Vì chúng ta không có đề tài để nghiên cứu dài, thường xuyên, nhất là về chọn giống phải có tính kế thừa lớp lớp như lợp ngói nhà nên không chọn ra được nhiều giống mang tính đột phá.
"Ngày tôi còn làm ở Viện Di truyền Nông nghiệp có nhiều đề tài nhưng cơ chế bó buộc nên không thực hiện được đến cùng nên đến khi về hưu vẫn ấp ủ để hoàn thiện. Trong 15 năm từ 2008 đến 2023 nghỉ công tác, tôi đã tạo ra được 10 giống lúa quốc gia rất nổi tiếng, trong đó có giống siêu lúa giúp dân cả nước sản xuất hiệu quả, đạt năng xuất cao, có giống lúa đang phục vụ xuất khẩu",ông Quý tiết lộ thêm.
Thứ ba, sai lầm nhất của chúng ta là không dám cho thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ tự chủ ngay từ đầu. Ngay từ 30 năm trước, tôi đã cho thành lập doanh nghiệp công nghệ và đạt được nhiều thành tựu, đưa sản phẩm nấm của Việt Nam xuất khẩu rất mạnh nhưng sau đó, vì nhiều lý do, doanh nghiệp phải chuyển thành bộ môn và cho bỏ ngăn kéo.
Đến khi Nghị định 115 (Nghị định số 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ: Nghị định quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập) tưởng rằng sẽ "cởi trói" được cho các đơn vị nhưng lại vướng hơn vì chúng ta không sửa các luật liên quan thành ra chính sách đưa ra không giải quyết được vấn đề gì.
"Nghị định mới cho phép các đơn vị nghiên cứu có thể toàn quyền liên kết, liên doanh, thậm chí có thể đổi đất lấy hạ tầng để cho viện đầu tư nhưng giao nửa vời dẫn đến khi làm vướng đủ thứ, từ các Luật Đất đai đến các luật khác. Nếu làm sẽ vi phạm và có thể bị bắt ngay nên không ai dám làm gì", GS.TSKH Trần Duy Quý nghẹn ngào.
GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam (thứ 2 từ phải qua) bên mô hình sản xuất giống lúa tại Hà Nội năm 2017.
Cũng theo GS.TSKH Trần Duy Quý, chính sự phức tạp, rối rắm của cơ chế tài chính hiện nay khiến họ buộc phải nói dối. Để hợp thức hóa các chứng từ cho một đề tài nghiên cứu thì họ buộc phải bịa ra các chuyên đề. Có những đề tài khoa học có đến hàng trăm chuyên đề. Trong khi đó trên thực tế thì chỉ cần khoảng hơn chục chuyên đề là giải quyết được.
Cơ chế tài chính quá chặt chẽ nhưng lại nảy sinh những khó khăn khiến các nhà khoa học ngại nghiên cứu, ngại làm đề tài. Chỉ lo chuyện làm thế nào để hợp thức hóa các chứng từ cũng đã mệt lắm rồi.
"Tại sao các nhà khoa học lại phải ôm tất cả các đống giấy tờ tài chính đó? Tại sao trong một cơ quan khoa học, bộ phận tài chính lại có quyền "to" hơn các nhà khoa học. Thành ra mới có câu chuyện, các giáo sư, tiến sĩ dù đã vất vả nghiên cứu, đến khi công trình được nghiệm thu nhưng chưa qua được “ải” kế toán - tài vụ thì vẫn chưa thể yên lòng. (GS-TSKH Trần Duy Quý)
Họ phải tất tả đi gom cho đủ hóa đơn, chứng từ; nhờ người này ký giúp biên nhận khoản chi dịch tài liệu, nhờ người kia ký biên nhận khoản chi thu thập - xử lý số liệu, thậm chí nhờ cả người đóng vai... xe ôm để ký biên nhận trả tiền đi lại trong khi họ hoàn toàn không làm những việc này! Và thường những người được nhờ là các nhà nghiên cứu trẻ trong cơ quan.
Vậy là, giáo sư, tiến sĩ biết mình làm dối, cán bộ trẻ biết mình làm dối, cơ quan quản lý, phê duyệt thủ tục thanh toán biết là có chuyện gian dối. Nhưng tất cả đều được thông qua. Sự dối trá mà ai cũng biết đó cứ duy trì từ năm này qua năm khác, từ nơi này qua nơi khác nhưng mãi không sửa được", ông Quý nói thêm.
Nguồn: https://danviet.vn/
· HỘI NGHỊ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ 2024
· Yên Minh thí điểm khắc phục hiện tượng hồng không hạt rụng quả
· Tuyển sinh đào tạo trình độ Tiến sĩ năm 2024 đợt I
· Tuyển sinh đào tạo trình độ Tiến sĩ năm 2025 đợt I
· CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM LẠI PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN BẢO VỆ THỰC VẬT – TS. HÀ MINH THANH
· Đại hội chi bộ Văn phòng lần thứ III, nhiệm kỳ 2025-2027
· Giới thiệu một số nguồn nấm ký sinh côn trùng có tiềm năng...
· Đã phát hiện rệp sáp bột hồng tại Việt Nam
· Hội thảo tham vấn về tuyến trùng hại hồ tiêu, cà phê và kinh nghiệm phòng trừ tại Tây Nguyên
· Triển vọng phát triển giống hồng giòn không chát ở Việt Nam
· THÔNG BÁO MỞ LỚP ĐÀO TẠO NGẮN HẠN VỀ CÔNG NGHỆ SINH HỌC
· TÊN KHOA HỌC CỦA SÂU CUỐN LÁ CHUỐI
· THÔNG BÁO MỜI CHÀO HÀNG
· Chuyến thăm của đoàn cán bộ cao cấp của chính phủ Banladesh
· Chuyến thăm của đoàn cán bộ Viện BVTV tới Cục Bảo vệ thực vật