Luật Trồng trọt rất 'mở', cần hướng dẫn cho đúng
Ngày đăng : 23/12/2022

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn tham gia xây dựng Luật Trồng trọt từ những ngày đầu đã có những luận giải, chia sẻ về ý tưởng xây dựng và quy định của luật này.

Thời gian qua, đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều về các quy định của Luật Trồng trọt, trong đó, nổi lên là các ý kiến xoay quanh vấn đề danh mục cây trồng chính; cấp, cấp lại, gia hạn công nhận giống cây trồng; giống “vô chủ” hay xã hội hóa; tự công bố lưu hành giống...

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), một trong những người tham gia xây dựng Luật Trồng trọt từ những ngày đầu đã có những luận giải, chia sẻ về ý tưởng xây dựng và quy định của luật này.

Giống lúa, một trong những cây trồng chính nhận được nhiều băn khoăn khi triển khai Luật Trồng trọt.

Cần lấy ý kiến rộng rãi về cây trồng chính

Với cách tiếp cận của Luật, danh mục cây trồng chính cần được lấy ý kiến của cộng đồng một cách rộng rãi. Chúng ta phải đưa ra được lý do tại sao lại đưa cây trồng này vào danh mục cây trồng chính hoặc không… Việc lấy ý kiến rộng rãi sẽ giúp việc xây dựng danh mục cây trồng chính đúng với tinh thần của Luật, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý giống hiện nay.

Theo đó, số lượng, chủng loại giống đưa vào danh mục hoàn toàn "mở" và có thể được cập nhật thường xuyên, phụ thuộc vào nhu cầu của công tác quản lý. Thậm chí đến khi nhận thức, tính tự giác của cộng đồng đã đạt ở mức cao, chúng ta có thể đưa hoàn toàn các giống ra khỏi danh mục, lúc đó chỉ còn lại bảo hộ và tự công bố lưu hành giống. Luật không cấm việc này. Quy định mở này sẽ không làm cho Luật bị lạc hậu hoặc phải sửa đổi khi yêu cầu của công tác quản lý giống đã thay đổi.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng Luật Trồng trọt, ban đầu có dự kiến lồng ghép đưa Chương Bảo hộ giống cây trồng ở Luật Sở hữu trí tuệ vào cùng với chương quản lý giống cây trồng vì có nhiều thủ tục yêu cầu giống nhau như thủ tục đăng ký, khảo nghiệm DUS (cả công nhận lưu hành giống và bảo hộ giống đều cần và do cùng một cơ quan thực hiện)… Việc lồng ghép này sẽ giúp giảm bớt các thủ tục, chi phí cho chủ thể muốn thực hiện cả 2 nguyện vọng.

Tuy nhiên, qua thảo luận, Quốc hội đã phân tích và để văn bản dưới Luật hướng dẫn, với yêu cầu là tuân thủ theo quy định của Luật. Do đó, tại khoản 4, Điều 13 đã quy định việc cấp quyết định công nhận lưu hành giống được thực hiện đồng thời với việc cấp bằng bảo hộ nếu chủ sở hữu yêu cầu và đáp ứng được các điều kiện đối với cả công nhận lưu hành và bảo hộ giống. Bởi vậy, trong quá trình hướng dẫn cũng cần nghiên cứu tới điều này.

Cần nghiên cứu kỹ Luật Trồng trọt và Luật Sở hữu trí tuệ để lồng ghép một số thủ tục về công nhận lưu hành và bảo hộ giống.

Hiện nay, chúng ta đang trong quá trình xây dựng nghị định hướng dẫn thực thi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, cần nghiên cứu kỹ các quy định của 2 Luật để có thể lồng ghép một số thủ tục, đảm bảo tính thống nhất và đơn giản hóa các thủ tục, tránh tình trạng mỗi nơi quy định một kiểu sẽ khó cho người áp dụng.

"Một điểm cũng cần lưu ý có liên quan tới các quy định sau này là quy định cuả Luật Trồng trọt về khảo nghiệm ở khoản 5, Điều 13, giống cây trồng thuộc loại cây trồng chính phải được khảo nghiệm do tổ chức khảo nghiệm độc lập đủ điều kiện thực hiện.

Như vậy, khoản 5 chỉ đề cập đến việc khảo nghiệm đối với cây trồng chính, hoặc đối với cây trồng khác khi có nhu cầu đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng như đối với cây trồng chính. Rõ ràng, văn bản luật không quy định yêu cầu khảo nghiệm đối những cây trồng không phải là cây trồng chính khi tự công bố lưu hành".

(GS.TS Nguyễn Hồng Sơn).

Gia hạn công nhận lưu hành giống của Luật rất rõ ràng

Về việc cấp, cấp lại, gia hạn công nhận lưu hành giống cây trồng, có thể có một số quan điểm trái chiều về việc gia hạn lưu hành đối với giống cây trồng nhưng đó là các quan điểm cá nhân. Nội dung này đã được Ban soạn thảo và Tổ thẩm định của Quốc hội thảo luận kỹ nên đã đưa ra những quy định rất rõ ràng tại khoản 2, khoản 4, Điều 15 và khoản 1, Điều 85.

Đối với giống cây trồng, sự thay đổi tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác, giá trị sử dụng trong quá trình sử dụng là điều hoàn toàn có thể xảy ra do hai nguyên nhân. Thứ nhất là thay đổi do biến dị của thực vật (tự thoái hóa) khi có tác động của các yếu tố gây đột biến, thụ phấn chéo…

 

Thứ hai là giống có thể bị mất thuộc tính quý của mình do tác động của yếu tố bên ngoài, ví dụ mất khả năng kháng sâu, bệnh do các loài sâu, bệnh phát sinh những chủng, nòi hoặc dạng sinh học mới với độc tố cao hơn. Do đó, để kiểm soát, ngăn chặn sớm sự thay đổi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và môi trường, việc gia hạn công nhận giống là việc làm cần thiết.

Luật Trồng trọt không quy định yêu cầu khảo nghiệm đối những cây trồng không phải là cây trồng chính khi tự công bố lưu hành.

Việc gia hạn nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn và hạn chế những rủi ro có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sản xuất và môi trường cũng như sức khỏe con người, đặc biệt là yếu tố rủi ro từ sự lan truyền của các đối tượng sinh vật gây hại vì nó không chỉ làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng mà còn làm gia tăng mức độ tích lũy quần thể của dịch hại, đòi hỏi tăng áp lực sử dụng thuốc BVTV (tăng số lần, liều lượng sử dụng và thậm chí phải sử dụng loại thuốc có độ độc cao hơn), gây tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người. Đây cũng là nội dung đã được quy định rõ trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.

Bên cạnh đó, chúng ta cần rà soát để đảm bảo trong cùng một thời kỳ, các giống cây trồng đều phải đáp ứng một yêu cầu về chất lượng như nhau, không thể để tồn tại các giống có chất lượng khác nhau chỉ vì giống đã nằm trong lịch sử mà vẫn được tồn tại, như vậy là không công bằng và không đảm bảo về mặt khoa học, có khi chính giống cũ đó đã tạo ra sự lan truyền dịch bệnh cho những giống mới.

Khi gia hạn công nhận lưu hành giống, Luật không yêu cầu phải khảo nghiệm với tất cả các đặc tính về tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định (DUS) và giá trị canh tác, giá trị sử dụng mà chỉ cần yêu cầu thực hiện khảo nghiệm có kiểm soát nhằm vào đánh giá mức độ chống chịu với một số đối tượng sinh vật gây hại và các yếu tố bất thuận. Quy định này đã xem xét rất kỹ đến tính khả thi vì nếu yêu cầu khảo nghiệm lại toàn bộ sẽ gây tốn kém về chi phí và thời gian rất lớn cho doanh nghiệp.

Luật Trồng trọt chỉ yêu cầu thực hiện khảo nghiệm có kiểm soát khi gia hạn công nhận lưu hành giống.

Việc quy định khảo nghiệm có kiểm soát cũng rất mở. Khoản 2, Điều 18 chỉ xác định đây là một hình thức khảo nghiệm để phân biệt với khảo nghiệm trên đồng ruộng, toàn bộ nội hàm như chỉ tiêu khảo nghiệm (khảo nghiệm gì), phương pháp thế nào… đều được mở để quy định tại TCVN.

Như vậy, nếu cơ quan quản lý và cộng đồng nhận thấy rằng vào thời điểm hiện nay, nếu không có đối tượng sinh vật hại nào hoặc chỉ tiêu nào cần được khảo nghiệm do tính cấp thiết hoặc do hạn chế về trình độ công nghệ thì không nhất thiết phải đưa vào khảo nghiệm, và lúc đó khảo nghiệm có kiểm soát cũng không nhất thiết phải tiến hành.

Ví dụ khi xây dựng TCVN quy định giá trị canh tác, giá trị sử dụng của cây cam, có ý kiến cho rằng phải quy định mức giới hạn với bệnh vàng lá Greening do bệnh này rất quan trọng. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cho rằng mặc dù bệnh gây hại nghiêm trọng nhưng hiện khoa học chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả nên chỉ yêu cầu khảo nghiệm để công bố, không yêu cầu về mức giới hạn.

Tại sao phải thực hiện trong điều kiện có kiểm soát? Chúng đánh đều biết rằng, việc khảo nghiệm, đánh giá mức độ chống chịu của giống cây trồng với một đối tượng sinh vật gây hại hay với hay điều kiện bất thuận (hạn, mặn, ngập...) sẽ rất khó khăn và không đảm thể đảm bảo chính xác khi thực hiện trên đồng ruộng, bởi lẽ chúng ta phải tạo được áp lực đủ lớn (mức độ nhiễm sâu bệnh cao), nền đồng đều và phải duy trì được trong suốt quá trình khảo nghiệm.

Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, việc khảo nghiệm có kiểm soát khi gia hạn công nhận lưu hành giống là điều cần thiết.

Điều quan trọng nữa là phải được tiến hành ở nhiều điều kiện sinh thái khác nhau. Việc tiến hành trong điều kiện có kiểm soát (về điều kiện sinh thái như nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng… hay điều kiện kiểm soát yếu tố thí nghiệm như thành phần chủng nòi sâu bệnh, mật độ sâu hay chỉ số bệnh, độ mặn, độ hạn, độ ngập…) sẽ đảm bảo mức độ chính xác cao hơn và chỉ cần tiến hành tại một địa điểm đều có thể cho kết quả như nhau. Vì lý do đó, khoản 1 Điều 19 chỉ yêu cầu khảo nghiệm có kiểm soát ,chỉ tiến hành tại một địa điểm. Điều này cũng nhằm đơn giản hóa và giảm chi phí cho cộng đồng mà vẫn đảm bảo về mặt khoa học.

"Một vấn đề khác cũng nên xem xét là hiện nay, số giống cây trồng trong danh mục rất lớn nhưng trên thực tế đưa vào sản xuất lại không nhiều. Nguyên nhân là do chúng ta chỉ đưa giống vào mà không có đưa ra, chủ sở hữu giống không phải đáp ứng nghĩa vụ gì nên họ cứ để giống tồn tại vĩnh viễn trong danh mục, gây khó khăn cho công tác quản lý, hướng dẫn và lựa chọn sử dụng".

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/

Các thông tin khác :
· TRUNG TÂM ĐÂU TRANH SINH HỌC HỘI NGHỊ KHOA HỌC NĂM 2022
· HỘI NGHỊ KHOA HỌC BỘ MÔN CON TRÙNG VÀ TUYẾN TRÙNG
· HỌI NGHỊ KHOA HỌC BỘ MÔN BỆNH CÂY VÀ MIỄN DỊCH THỰC VẬT
· Phòng trừ bọ hà trên cây khoai lang: Tín hiệu vui từ một đề tài
· NGHIỆM THU CƠ SỞ ĐỀ TÀI TIỀM NĂNG
· BÀI KỈ NIỆM 55 NĂM THÀNH LẬP VIỆN BVTV
· NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHỊ ĐỊNH THƯ HUNGARY
· HỘI NGHỊ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ 2023
· Kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai đề tài KHCN
· Phong chức danh GS, PGS năm 2010
· Hội nghị đầu bờ: Phòng trừ bệnh thối nhũn hành, tỏi tại Hải Dương
· Hội nghị Khoa học và Công nghệ Viện BVTV năm 2010
· LỄ PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY XUÂN TÂN MÃO 201
· BÁO CÁO NGÀY TÌNH HÌNH BỆNH LÙN SỌC ĐEN HẠI LÚA
· Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án: “Nâng cao năng suất và chất lượng hồng ngọt ở Việt Nam và Australia” năm 2010 và kế hoạch thực hiện trong năm 2011
· MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU NHÂN SINH KHỐI TẾ BÀO SÂU KHOANG (S. litura) ĐỂ PHỤC VỤ SẢN XUẤT CHẾ PHẨM VI RÚT NPV
· Tham quan mô hình trồng cây ăn quả ôn đới tại Bắc Hà- Lào Cai